NGUỒN GỐC CỦA TIẾT THANH MINH VÀ TẾ TỰ ĐẠO GIÁO

Thứ bảy, 24/06/2023 14:09

Tiết Thanh Minh là thời điểm chuyển giao giữa xuân và cuối xuân. Theo Lịch Thư chép rằng: sau xuân phân 15 ngày là tiết Thanh Minh, khi đó mọi vật đều trong sáng, tức là khi đó khí thanh cảnh minh, vạn vật đều hiển lộ, nhân đó mà có tên như vậy.

339782522_1661379667645036_5622049388053180239_n

Tiết Thanh Minh, cùng với Xuân Tiết, Thượng Nguyên, Đoan Ngọ, Trung Nguyên, Trung Thu, Đông Chí, Trừ Tịch được coi là 8 tiết lớn trong năm. Vào tiết Thanh Minh, cùng với tiết Trung Nguyên 15/7, tiết Hạ Nguyên 15/10, được gọi là Tam Đại Minh Tiết, nó liên quan đến việc tế tự vong linh quỷ thần. Nguồn gốc của tiết Thanh Minh được cho là bắt nguồn từ nghi thức Mộ tế của các bậc đế vương thời cổ đại, sau đó dân gian bách tính cũng vì thế mà bắt chước làm theo, để tế tự tổ tiên và quét dọn mộ phần. Nó là việc làm tốt đẹp được kế thừa và truyền từ đời này qua đời khác, trở thành 1 phong tục vô cùng đặc sắc trong văn hóa của các nước phương Đông, đến nay lịch sử của tiết Thanh Minh đã có hơn 2500 năm lịch sử.

Tiết khí của Thanh Minh là khoảng thời gian sau Xuân Phân. Khi này mùa đông đã qua, thời tiết quang đãng, ruộng đồng sạch sẽ, đất đai tràn đầy sức sống của mùa xuân, chẳng có ngôn từ nào có thể giải thích về tiết Thanh Minh một cách cụ thể, mà chúng ta chỉ có thể dựa vào thiên tượng thời khí cảnh sắc không gian lúc bấy giờ để gọi tiết khí này như vậy và đó cũng là 1 từ thích hợp để gọi thời kì này là Thanh Minh. Trong mắt người xưa, hai chữ Thanh Minh là chỉ Thiên thanh Địa khiết, khí tượng thanh lãng. Trong cổ tịch của Đạo giáo, đặc biệt là Thái Bình Kinh có nói: Đạo của trời là trong mà sáng, cũng chẳng nhìn thấy 1 chút ô nhục. Điều đó có nghĩa là khi thiên hạ đang ở trạng thái “Thanh minh”, nó sẽ thể hiện sự phồn thịnh thịnh vượng của vạn vật trên đại địa, cục diện của thế giới sẽ hài hòa và yên bình, và khi trạng thái con người ở trạng thái “Thanh minh” thì có thể thấy rằng cuộc sống của mình đã được hòa nhập với thiên nhiên và trở thành 1.

Trong hơn 2000 năm nay, phong tục tảo mộ du xuân trong tiết Thanh Minh được phổ biến, nó không chỉ chứa đựng tinh thần đạo đức truyền thống, mà còn phản ánh và cổ súy lý tưởng đạo đức sống “Hồi quy tự nhiên” mà Đạo giáo đề xướng, ý nghĩa tâm linh và nội hàm tinh thần trong tiết Thanh Minh được tích hợp với những suy nghĩ tư tưởng, tình cảm trong Đạo giáo và ăn sâu vào trong mảnh đất màu mỡ của văn hóa Phương Đông.

Chủ đề tinh thần của tiết Thanh Minh là để mọi người gần gũi với thiên nhiên, gần gũi với mùa xuân và trở về với thế giới tự nhiên, điều này phù hợp với tư tưởng trở về với tự nhiên, và điều này cũng phù hợp với các ý tưởng “Phản phác quy chân”, “Tự nhiên vô vi” mà Đạo giáo chủ trương. Lão tử trong Đạo Đức Kinh từng nói: “Thiện kiếm giả bất bạt, thiện bão giả bất thoát, tử tôn dĩ tế tự bất chuyết”. Tức là: Người khéo trồng cây thì không nhổ, nậy lên được. Người khéo ôm thì không rút ra được. Con cháu tế tự không dứt. Lão Tử nhận thấy rằng khi con người lấy tiêu chuẩn đạo đức, thì lúc đó con người sẽ theo Đạo mà làm việc, việc tế tự và hoài niệm sẽ được con cháu đời đời ghi nhớ. Các giáo nghĩa mà Đạo giáo phụng hành bao gồm: Tế tự tổ tiên, truy ức vong linh, lễ bái thần minh. Vì vậy Đạo giáo cũng không có ngoại lệ, chủ trương thờ cúng ông bà tiên cũng quan trọng như việc tế tự cúng bái thần linh, Thanh Minh tế vong đạo tràng của Đạo giáo cũng thể hiện đầy đủ cảm xúc “Kính thiên pháp tổ” và “Khánh sinh tế vãng”. Mọi người khi tế tự tiền nhân trong tiết Thanh Minh tức là họ không quên đi cội nguồn, họ đang chân trọng ân đức nuôi dưỡng sinh thành của cha mẹ, ghi lòng tạc dạ của mình với những người đi trước đã có ơn với giang sơn tổ quốc. Thanh Minh “Y Đạo mà hành”, con cháu tế tự không thôi, đã trở thành đức tính tốt đẹp của các dân tộc phương Đông. Đối với việc thận chung suy viễn, đôn thân mục tộc, hiếu thân kính lão, đã hình thành lên trong xã hội 1 bầu không khí tốt đẹp và có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

I. Nguồn gốc của tiết Thanh Minh:

Vào thời cổ đại, trước tiết Thanh Minh còn có tiết Hàn Thực, và tiết Thượng Tị. Bởi 3 tiết này là 3 tiết nhật rất gần nhau, các phong tục tập quán xâm nhập lẫn nhau, chồng chéo lên nhau, lâu dần không còn được phân chia rõ ràng, từ đó hình thành lên tiết Thanh Minh như hiện nay.

Tiết Thượng Tị ban đầu là tiết nhật để tưởng nhớ đến Hiên Viên Hoàng đế. Nó được ấn định vào ngày Tị đầu tiên của tháng 3, sau thời Ngụy Tấn nó được ấn định vào ngày 3/3 âm lịch, tiết Thượng Tị là tiết nhật thịnh hành vào thời kì Xuân Thu của 3000 năm trước, nội dung chủ yếu của nó là tế vong, tảo mộ, xuân nhật mộc dục, thủy biên ẩm yến và đạp thanh du xuân. Đây là lễ hội quan trọng nhất trong các hoạt động “Phất trừ bạn dục”.

Vào thời cổ đại “Phất trừ bạn dục” có nghĩa là tắm bên dòng nước vào ngày xuân để thoát khỏi bệnh tật và những điều xui xẻo. Đầu tháng 3 âm lịch, đất trời tràn đầy sức sống, mùa xuân tươi đẹp, cây cối xanh tốt, mùa xuân tràn đầy sức sống, khi mọi người đi tảo mộ xong, người ta tập trung về ngoại thành, du xuân, đi dạo trên cỏ, trồng cây, thả diều, đánh đu. Vào thời cổ đại, người ta sẽ cùng nhau ra bờ suối để gội đầu rửa chân, nhằm mong cầu khứ bệnh tiêu tai. Trong Luận Ngữ có ghi: “Mộ xuân giả, xuân phục kí thành, quan giả ngũ lục nhân, đồng tử lục thất nhân, dục hồ Nghi, phong hồ Vũ Vu, vịnh nhi quy”, tức là: Đến cuối mùa xuân, áo mùa xuân đã may xong; 5,6 người chạc độ 20 tuổi; 6,7 đứa trẻ con rủ nhau đi tắm sông Nghi, hóng gió nền Vũ Vu, rồi ca hát mà về. Đó là việc miêu tả về những người tắm và chơi bên dòng nước mùa xuân vào thời điểm đó.

Đại thi hào Đỗ Phủ trong bài thơ “Lệ nhân hành” từng viết:

“Tam nguyệt tam nhật thiên khí tân

Trường An thủy biên đa lệ nhân.

Thái nùng ý viễn thục thả chân

Cơ lý tế nhị cốt nhục quân

Tú la y thường chiếu mộ xuân

Xúc kim khổng tước ngân kì lân

Đầu thượng hà sở hữu

Thúy vi hạp thiệp thùy mấn thần.”

Tức là:

Ngày 3 trùng tháng khí thanh tân

Bến nước Trường An lắm mỹ nhân

Lành thực nồng nàn sâu ý nghĩ

Làn da nhỏ mịn vóc thon cân

Xiêm áo lụa là ánh cuối xuân

Tuyến vàngthêu phụng bạc kì lân

Đầu em trang điểm,gì đây nhỉ

Tóc xõa làn môi kẹp thúy gần.

Bài thơ miêu tả cảnh tắm suối hoành tráng trong tiết Thượng Tị vào lễ hội mùa xuân tại kinh thành Trường An thời nhà Đường.

Sau vào thời nhà Tống, lý học thịnh hành lễ giáo ngày càng nghiêm khắc, phong tục mộc dục tắm rửa vào ngày Thượng Tị đầu xuân dần dần mai một, rồi dung hợp với tiết Thanh Minh. Tuy nhiên phong tục tế vong tảo mộ và du xuân vẫn được gìn giữ cho đến tận ngày nay.

Tảo mộ trong tiết Thanh Minh và cúng bái tổ tiên là phong tục truyền thống tốt đẹp của các nước phương Đông, phong tục này có liên quan mật thiết đến tiết Hàn Thực. Thuở xưa có 1 tiết nhật quan trọng khác, ra đời trước tiết Thanh Minh, đó chính là tiết Hàn Thực, Hàn Thực là sau Đông Chí 105 ngày, qua Hàn Thực chính là Thanh Minh. Tiết Hàn Thực thời xưa từng kéo dài 100 ngày. Vào thời kì Tam Quốc, Tào Tháo đã đổi trăm ngày này thành chỉ còn 3 ngày. Khi nói đến tiết Hàn Thực, chúng ta không thể quên được 1 nhân vật lịch sử đó là Giới Tử Thôi.

Truyện kể rằng và đời Xuân Thu vua Tấn Văn Công nước Tấn gặp loạn phải bỏ nước lưu vong, gặp được 1 người hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi theo giúp, về sau Tấn Văn Công về làm vua, phong thưởng cho nhiều người có công nhưng lại quên mất Giới Tử Thôi. Ông không oán giận gì, về sau đưa mẹ về núi ở ẩn. Tấn Văn Công nhớ ra cho người đi tìm. Vì Giới Tử Thôi không chịu ra lĩnh thưởng, Tấn Văn Công hạ lệnh đốt rừng để ép ông phải ra, cuối cùng 2 mẹ con ông đều chết cháy. Vua thương xót lập miếu thờ và hạ lệnh kiêng đốt lửa 3 ngày, chỉ ăn đồ nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm.

Tiết Hàn Thực kéo dài hơn 2000 năm và được biết đến là 1 lễ hội dân gian lớn. Tiết Hàn Thực còn có tên gọi khác là Bách Ngũ Tiết, bởi đó là 105 ngày sau ngày Đông Chí, 1 hoặc 2 ngày trước tiết Thanh Minh. Tiết Hàn Thực cũng được gọi là tiết Cấm Yên (Cấm khói), vào ngày đó, người dân không đốt pháo, không nấu nướng, ban đêm trong hoàng cung không đốt đèn, sau đó những ngọn đuốc dần dần được thắp sáng từ trong hoàng cung và ngọn lửa đầu tiên được truyền đến các gia đình quý tộc trọng thần, và đến các gia đình bách tính thường dân.

Vào thời nhà Đường, Hàn Hoành có bài thơ Hàn thực như sau:

“Xuân thành vô xứ bất phi hoa

Hàn thực đông phong ngự liễu tà

Nhật mộ hán cung truyền lạp trúc

Khinh yên tán nhập Ngũ hầu gia”

Tức là:

Xuân thành chẳng chỗ chẳng bay hoa

Hàn Thực gió đông liễu la đà

Cung Hán về chiều thuyền thắp nến

Khói xanh dịnh thự Ngũ hầu gia.

Trước thời Đường, Hàn Thực và Thanh Minh là 2 lễ hội nối tiếp nhau với 2 chủ đề khác nhau. Lễ hội trước để hoài niệm về cái chết, thì lễ hội sau để cầu tâm hộ sinh, 1 âm 1 dương, 1 hơi thở cho 1 sự sống, cả 2 đều có tiếng vang lẫn nhau và có mối quan hệ hợp tác mật thiết chặt chẽ với nhau. Hàn Thực cấm lửa, là để tạo ra ngọn lửa mới, Thanh Minh cúng tế vong nhằm để cầu phúc cho cuộc sống mới. Đây là mối liên hệ văn hóa nội tại giữa Hàn Thực và Thanh Minh.

Sự tái sinh và ngọn lửa mới trong tiết Hàn Thực là 1 nghi thức chuyển tiếp nhằm tống cựu nghênh tân, bỏ cái cũ chào đón cái mới, nó không chỉ chứa đựng hoài niệm và sự lưu luyến về quá khứ mà còn chứa đựng tình cảm cảm ân sâu sắc, đồng thời nó cũng tượng trưng cho sự khởi đầu của 1 mùa mới, 1 chu kì mới, 1 hi vọng mới và 1 cuộc sống mới.

Hàn Thực mộ tế đã hình thành từ thời Nam Bắc Triều, lễ hội Hàn Thực đã dần dần chuyển từ cấm đốt pháo sang việc cúng tế người chết và tảo mộ. Căn cứ vào Cựu Đường Thư- Huyền Tông Ký có ghi: Vào tiết Hàn Thực, cúng bái quét dọn mộ phần, tuy lễ nghi không có văn bản nhưng gần đây vẫn được lưu truyền, tích cũ trở thành phong tục, các nhà từ lê dân cho đến sĩ thứ, mỗi lần vào tiết Hàn Thực thường không quên tế tự và Tảo mộ. Xét về lịch sử lâu đời của phong tục này, Đường Huyền Tông thời Đường đã hạ chiếu vào năm Khai Nguyên thứ 20: Sĩ thứ các nhà khi tảo mộ đã biên soạn thành Ngũ lễ và trở thành nghi thức thường xuyên. Hàn Thực tế mộ đã trở thành phong tục.

Vào các triều đại Liêu, Tống, Kim, Nguyên, tiết Hàn Thực dần dần trở thành tế vong tảo mộ và trởthành hoạt động du xuân đạp thanh. Trong các triều đại Minh Thanh, tảo mộ dân gian và tế đàn ở nhà các quan trong tiết Hàn Thực, cùng với tế lăng tẩm của hoàng gia, nó cũng trở thành tiết nhật quan trọng của mọi tầng lớp, hoạt động du xuân đạp thanh trong dân gian cũng trở thành 1 phần tất yếu không thể thiếu của lễ hội. Theo thời gian, Hàn Thực Tiết dần suy yếu và bắt đầu được thay thế chính thức bằng tiết Thanh Minh.

Với Việt Nam tiết Thanh Minh là dịp để con cháu hướng về cội nguồn tổ tiên. Dù đi xa làm ăn thì vào ngày này gia đình cùng tụ họp đi tảo mộ sau đó về nhà quây quần bên mâm cơm gia đình. Những ngôi mộ sạch sẽ tươm tất như thay con cháu thể hiện lòng thành kính của mình đối với tổ tiên.

Nếu Thanh Minh của Trung Quốc là du xuân, đạp thanh tảo mộ, thì Thanh Minh của Việt Nam chỉ còn tảo mộ mà thôi. Thông qua đoạn thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du chúng ta sẽ biết người xưa chuẩn bị cho tiết Thanh Minh như thế nào:

"Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh.
Gần xa nô nức yến anh,
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.
Dập dìu tài tử giai nhân,
Ngựa xe như nước áo quần như nêm
Ngổn ngang gò đống kéo lên,
Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay."

II. Tế tự của Đạo giáo và tiết Thanh Minh:

340305273_774706234046446_1382826135449533281_n

Trong lịch sử hoạt động tế vong vào trong tiết Thanh Minh đều bắt nguồn từ chiêu hồn tục phách của tiết Thượng Tị và tảo mộ tế vong của tiết Hàn Thực, dần dần từ tục tảo mộ Thanh Minh trong dân gian gia thêm các hoạt động tế tự chính thức của tông giáo. Từ thời nhà Tống, Đạo giáo và Phật giáo đã chính thức tham gia vào các nghi lễ Thanh Minh. Đến thời Nam Tống, triều đình quy định rõ ràng cho các Đạo sĩ và hòa thượng sẽ thực hiện các nghi thức trong các hoạt động tế lễ của hoàng đế hoàng hậu trong tiết Hàn Thực và tiết Thanh Minh. Căn cứ vào sử liệu ghi chép, vào năm Thiệu Hưng thứ 13 triều Nam Tống (1144), triều đình gồm trưởng quan nội thị 7 người, Đạo sĩ 10 người, sĩ tốt 276 người.

Từ triều Tống về sau, bất luận là quan lại hay thứ dân, nghi thức tế vong trong tiết Thanh Minh được thay thế bằng các nghi lễ tôn giáo của Phật giáo và Đạo giáo. Do nghi thức cúng tế Thanh Minh và cúng tế người chết được triều đình nhà Minh quy định, và từ đây nó đã trở thành phong tục tập quán mang tính lễ giáo được ghi chép rõ ràng.

Vào nhà Minh, độ vong thường được chế định vô cùng nghiêm khắc. Giống như tiết Thượng Tị và Hàn Thực thời cổ đại, hoạt động tế tự trọng tiết Thanh Minh không chỉ giới hạn trong việc hoài niệm về người thân và tổ tiên đã khuất, mà còn để an ủi và giải quyết tất cả các việc của vong linh, đặc biệt là an ủi vỗ về cho những cô hồn dã quỷ chết ở nơi đất khách tha hương.

Kể từ thời nhà Minh, Đạo giáo đã tổ chức Thành Hoàng Tam Tuần Hội, cử hành ở miếu thành hoàng. Tam Tuần Hội chức năng chủ yếu là tế lịch, bao gồm các pháp sự Đạo giáo, như Tế Lịch Đàn hoặc Thành Hoàng Tuần Du. Thành Hoàng Tuần Du Hội trải qua hàng trăm năm đã phát triển thành 1 nghi lễ tế tự chính thức và quy mô lớn.

Tiết Thanh Minh của Đạo giáo được cử hành với các pháp sự tế vong chủ yếu gồm có: Siêu độ, hoặc phóng diệm khẩu, nhằm lợi u bạt khổ,

Chuẩn tế cô hồn, chuẩn khoa độ vong, phộ độ chúng sinh. Vì vậy nó trở thành Thiết quán diệm khẩu.

Phóng diệm khẩu là tục xưng của các đạo tràng độ vong Đạo giáo, có nghã là trai tế chủ thiết lập Thủy lục đạo tràng, thỉnh Đạo sĩ niệm chú thi pháp, thỉnh thủy, vật thực, với các cúng phẩm, thể hồ cam lộ, lấy chẩn tế khứ thế nhằm cho cửu thế phụ mẫu và cô quỷ vong hồn có thể được siêu thoát, vãng sinh thiên giới, vĩnh ly khổ ải. Thông qua quá trình hoạt động pháp sự nghiêm túc, thông qua các hoạt động nghi lễ long trọng và trang nghiêm, khiến cho các vị thần ghi nhận công đức hiếu tâm của trai chủ nhằm kính thiên pháp tổ mà báo đáp thân ân, từ đó nhằm phù hộ cho người sống được phúc thọ khang ninh, cát tường như ý, khiến cho người chết cso thể thoát ly khổi ải, cộng thiệp tiên hương.

Đạo tràng của Đạo giáo là do tổ thành từ cáckhoa nghi, mục đích của việc tác đạo trạng chính là thông qua việc tụng niệm kinh văn, lễ sám, sướng tán ngâm kệ, bộ hư toàn nhiễu, đạp cương bộ đẩu, triệu thỉnh thần linh, lai lâm đến đạo tràng. Trên đạo tràng, các cao công pháp sư hợp thần lực với tự thân, dùng pháp lực để giải trừ quỷ hồn, để chúng sớm sinh thiên giới, vĩnh ly khổ hải, đạt đến việc siêu độ vong linh, tiêu tai tị nạn, tứ phúc diên linh. Tác đạo tràng phải trải qua 3 giờ mới kết thúc.

Án chiếu theo quan điểm của Đạo giáo, Thanh minh không chỉ là tảo mộ, thông qua đạo tràng khiến cho cửu huyền thất tổ được siêu thăng, đối với con người là một sự tri ân lớn và là chí hiếu với tổ tiên.

Đạo giáo Chính nhất phái càng coi trọng các pháp sự độ vong ở dân gian, pháp sự này còn có tên gọi là Thanh Minh Phổ Độ Hoàng Lục Pháp Hội, thông thường phải tiến hành 3 ngày 3 đêm hoặc lâu hơn là 7 ngày 7 đêm. Pháp sự khoa nghi cũng nhiều loại và nhiều hình thức, thường dung là Chính Nhất Siêu Độ Linh Bảo Luyện Độ Khoa Nghi. Nội dung pháp sự rất phong phú, lấy Độ Kiều Khoa Nghi Pháp Sự thường dùng của Chính Nhất Phái làm ví dụ, toàn bộ pháp sự được phân thành 5 phần: Triệu thỉnh, mộc dục, độ kiều, triều tham, an vị.

Triệu thỉnh: Pháp sự triệu thỉnh thần linh giáng xuống pháp đàn, triệu là kêu gọi vong linh vào đàn.

Mộc dục: Trai chủ cầm linh phan, pháp sư cử tiếp dẫn thiên tôn hoa phan, triệu thỉnh vong linh mộc dục.

Độ kiều: Pháp sư đưa ra lời khải tấu, triệu linh hồn lên cầu và dẫn cho họ đường đi.

Triều tham: Pháp sư bắt đầu khởi công hành pháp, dẫn vong linh triều bái thần linh, nhằm nhập tịch thiên vực.

An vị: Pháp sư dẫn vong linh lên tòa an vị, từ đó thăng nhập lên thiên giới, pháp sự từ đó mà cáo thành.

Do các khu vực khác nhau, các đạo phái khác nhau, truyền thừa cũng không giống nhau, vì vậy có một số khác biệt.

Đạo giáo Độ Vong Trai Tiếu Nghi thức 1 là phải siêu độ tiên tổ nhằm giữ được hiếu đạo, 2 là phải phổ thí cho vong hồn, quảng tích âm công.

Phong tục tế tự trong tiết Thanh Minh là 1 hình thức trai tiếu khoa nghi độ vong của Đạo giáo, nó có ảnh hưởng rất lớn đối với xã hội hiện đại, nó cũng ngày càng mở rộng và có chiều sâu nhất định. Thời gian tảo mộ trong tiết Thanh Minh nhằm mục đích tế tổ, thờ cúng ông bà tổ tiên, và củng cố làm nổi bật luân lý và nghi thức tông giáo, nhằm mục đích ủng hộ một cách mạnh mẽ.

Trong Đạo giáo, bản thể của tiết Thanh Minh là tượng trưng cho sự xuất hiện của mùa xuân, đại địa lấy lại được sức sống, dương khí trở lại. Đó không chỉ là lời khánh chúc đối với đại Đạo hóa sinh ra vạn vật, mà nó còn là 1 tiết nhật nhằm kỉ niệm và tưởng nhớ tới tổ tiên đã khuất, đồng thời nó cũng thức tỉnh con người biết trân trọng cuộc sống, biết yêu cuộc sống, sống hòa thuận với gia dình, hiếu dưỡng cha mẹ, thậm chí là bảo vệ cho trái đất, lạc sinh hướng đạo.

Để cổ vũ cho tình thần yêu nước hiếu thuận với cha mẹ ông bà tổ tiên. Nhân tiết Thanh Minh tôi xin đọc lại bài thơ Thanh Minh rút ra trong tập nhập ký trong tù của chủ tịch Hồ Chí Minh để mỗi chúng ta dẫu có gian nan vất vả, cũng không quên đi cội nguồn dân tộc, không quên hiếu kính ông bà tổ tiên:

“Thanh minh thời tiết vũ phân phân,

Lung lý tù nhân dục đoạn hồn.

Tá vấn tự do hà xứ hữu,

Vệ binh dao chỉ biện công môn.”

Tức là:

Thanh minh lất phất mưa phùn

Tù nhân nghe thấm nỗi buồn xót xa

Tự do, thử hỏi đâu là ?

Lính canh trỏ lối thẳng ra công đường

Tóm lại, Thanh Minh tiết là 1 biểu hiện hình thức vô cùng quan trọng trong truyền thống mỹ đức của các dân tộc phương Đông. Trong hàng nghìn năm lịch sử chủ đề tinh thần tâm linh chứa đựng trong nội hàm của tiết Thanh Minh đã được tích hợp với tư tưởng tình cảm tín nghĩa của Đạo giáo, đồng thời nó thâm nhập và ảnh hưởng lẫn nhau, hình thành lên đạo đức luân lý sinh mệnh và khí chất tinh khí thần vô cùng độc đáo của người dân phương Đông.

VƯƠNG LONG HOA ( VIỆT NAM CHÍNH NHẤT QUÁN)

Ý kiến bạn đọc
suncity oxbet bk8 s666 11bet zbet lode88 12bet nbet hb88 kubet77 fcb8 k8 mig8 top88 sbobet vnloto onebox63 vwin bet69 zowin win2888 sun hotlive bet168 ibet888 33win bong99 kubet w88 bong88 m88 vn88 xoso66 vobo88 binh88 jdb666 corona888 kimlong90 hb88g pua88 dd7 8xbet